Mỗi khi bước lên sân khấu khán giả đều bị anh hấp dẫn bởi sự trẻ trung, nồng nhiệt trong lời ca và say đắm trong từng bước nhảy.
Một vũ công trẻ say mê ca hát
Ca sĩ Nguyễn Hưng (sinh năm 1955) có một cuộc sống gắn bó với nghệ thuật múa từ nhỏ. Bởi mẹ anh là vũ sư Ánh Tuyết, người Hà Nội, một tài năng nổi tiếng khắp vùng Nam bộ một thời. Anh nhớ, đêm nào cũng sống trong âm nhạc trên sàn nhảy, mỗi khi đi theo mẹ biểu diễn đó đây. Sau cánh màn nhung, anh đã nhập thần qua những bước nhảy của các vũ công một cách tự nhiên, qua mỗi tiết mục. Hơn nữa, ngày ngày anh được mẹ dạy từng bước chuyển động cơ bản, trong mỗi vũ điệu. Sự khổ công rèn luyện trong các động tác kỹ thuật nhảy không hề dễ dàng chút nào. Nhìn qua ngỡ đơn giản nhưng nhảy cho đẹp và cuốn hút người xem lại đòi hỏi có một phẩm chất nghệ sĩ từ trong tâm hồn. Đó là sự linh cảm trong thẩm mỹ âm nhạc và tạo hình bằng chính cơ thể mình.
Ca sĩ Nguyễn Hưng biểu diễn.
Vừa đi học đánh trống vừa học nhảy. Khi lớn lên chút, Nguyễn Hưng đã được biểu diễn trống trong dàn nhạc nhưng mẹ anh vẫn kiên trì “ép” anh luyện những bước chân trong các vũ điệu. Bà hy vọng đến một lúc nào đó anh sẽ đam mê múa và trở thành một tài năng. Vì thương yêu mẹ, Nguyễn Hưng cũng kiên nhẫn học múa, với sự khổ luyện khắt khe. Nhất là kỹ thuật của đôi chân trong nghệ thuật nhảy trên sàn diễn. Anh nhớ, mẹ đã buộc ống quần tập của anh, cho cát hay gạch vào trong thêm nặng, để anh luyện cảm giác của đôi chân. Luyện sao cho những bước đi thật thanh thoát, bay bổng, nhạy cảm với giai điệu và tiết tấu âm nhạc. Ngày tháng miệt mài nhễ nhại mồ hôi vì phải nhảy với những ống quần nặng đúng là bao cát thực sự.
Ca sĩ Nguyễn Hưng vẫn phong độ ở tuổi 65
Thế rồi, đến một ngày, anh nhảy múa trên sàn diễn cứ như không. Náo nức với sự giải phóng của đôi chân, của cơ thể, của cánh tay, Nguyễn Hưng tự tin và đam mê với những vũ điệu quen thuộc như Valse, Chachacha, Tango, Rumba, Mambo, Samba... Quả nhiên, ước vọng của vũ sư Ánh Tuyết với tương lai của cậu con trai đã thành hiện thực. Nguyễn Hưng đã thành danh trên sàn nhảy, trong cuộc thi do báo Đen Trắng tổ chức năm 1972, tại Sài Gòn. Anh đoạt giải Kim Khánh với vũ điệu Chachacha, khi vừa tròn 17 tuổi. Ngay sau đó, Nguyễn Hưng được tham gia các đoàn nghệ thuật như Bông Sen và Đoàn xiếc Độc Lập, với vai trò nhạc công và biểu diễn múa vào đầu năm 1975, khi Sài Gòn được giải phóng. Nhưng thật bất ngờ, anh lại say mê học thanh nhạc và mộng ước trở thành ca sĩ. Thêm một hành trình mới cho cuộc đời của một nghệ sĩ, ngỡ tưởng chỉ suốt đời theo nghệ thuật khiêu vũ như anh. Sau những ngày tháng rèn kỹ thuật cộng minh, nhả chữ trong lời ca, anh dần dần được bố trí đơn ca, trong Đoàn kịch Kim Cương. Đời biểu diễn nay đây mai đó. Khán giả cũng đã quen anh qua những bài hát như Đôi mắt, Hãy yên lòng mẹ ơi, Vết thù trên lưng ngựa hoang...
Nhưng mộng ước chỉ là mộng ước. Khao khát đấy, nhưng khán giả vẫn chỉ nhớ đến Nguyễn Hưng là một vũ công trẻ tài năng. Dường như mọi sự an bài trên con đường nghệ thuật, nếu không có sự kiện bất ngờ vào năm 1992, khi Nguyễn Hưng được vợ bảo lãnh sang định cư ở Canada.
Tài năng chín muộn thành danh
Tuy không phải là quá chậm trễ, nhưng khi dấn thân nơi đất khách quê người, Nguyễn Hưng đã bước sang tuổi 37. Đó là cái tuổi không dễ bắt đầu một điều gì mới, trong sự khởi nghiệp của cuộc đời, nhất là nghệ thuật. Lận đận trong 2 năm trời, dò tìm nguồn kiếm cơm trên đất Canada không thấy khả quan, ngoài việc mở lò dạy nhảy, Nguyễn Hưng có phần thất vọng nơi xứ lạ. Nhưng thật ông trời có mắt, tình cờ đã sắp đặt cho anh được gặp ca sĩ Phương Hồng Quế ở Toronto, trong một dịp chị đi biểu diễn. Phương Hồng Quế rủ anh sang Mỹ biểu diễn ca nhạc và khiêu vũ, hy vọng sẽ có đất dụng võ.
Nguyễn Hưng nổi tiếng với những bước nhảy chuyên nghiệp
Anh nhập sàn diễn Thúy Nga khá nhanh, với phong cách Chachacha luôn toát lên sự trẻ trung cuồng nhiệt, qua nhiều bài hát được chọn của trung tâm. Nguyễn Hưng xuất hiện lần đầu tiên với ca khúc Đêm nguyện cầu trong cuốn Paris By Night 26. Đó là hình ảnh mới lạ trên sân khấu ca nhạc Thúy Nga. Vào tuổi 40, sự chín muồi về kỹ thuật và cảm xúc nghệ thuật, Nguyễn Hưng trở thành ngôi sao ca nhạc làm lay động lòng người. Từ đó hàng chục CD, VIDEO mang phong cách Nguyễn Hưng ra đời, chiếm lĩnh thị trường ca nhạc hải ngoại. Khởi đầu là VCD Lặng thầm (1994) cho đến nay, Nguyễn Hưng đã có trong tay hàng trăm Album các thể loại. Tất cả đều được người nghe nồng nhiệt đón nhận, với số lượng phát hành kỷ lục. Người yêu ca nhạc luôn nhớ đến các album nổi tiếng của anh như: Dạ vũ; Điên và say; Ngựa hoang; Trái tim bên lề; Duyên kiếp; Trái tim tình si... Đặc biệt, những album vừa hát vừa nhảy của anh đã trở thành món ăn tinh thần cho hàng triệu khán giả không những ở hải ngoại mà cả ở trong nước. Biểu diễn như vậy rất tốn sức. Đặc biệt Nguyễn Hưng không bao giờ hát nhép trong những vũ điệu sôi động, vậy mà giọng anh vẫn vững vàng về âm vực, cũng như cảm xúc rất tập trung. Đó là một bản lĩnh và tài năng xuất sắc của một nghệ sĩ trước công chúng.
Bài và ảnh: Hạnh An
(Theo Sức Khỏe Đời Sống)